SƠ LƯỢC VỀ CHÍNH TRỊ, BẦU CỬ TẠI CANADA

06/04/2021

Là người di cư, thiết lập lại cuộc sống từ đầu tại một đất nước xa lạ, rất nên cần tìm hiểu mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, xã hội, địa lý, văn hoá, tài chính của miền đất mới, vì không thể đứng ngoài xã hội. Trong khi đọc tin xứ thiên đường về bầu “kín” các vị trí lãnh đạo đất nước tại quốc hội, thống nhất 100% nghe ấm tấm lòng, làm nảy ra nhu cầu phải điểm sơ qua về nền chính trị và bầu cử tại Canada cho người quan tâm di cư các thông tin cơ bản để tham khảo, còn lại vẫn trên nguyên tắc là trang về di cư thì không chính trị hóa business của mình.
 
Canada vận hành theo cơ chế liên bang với 3 cấp chính quyền chia nhau trách nhiệm từng lĩnh vực: liên bang (federal) lo về vấn đề quốc gia, quốc tế như ngoại giao, quốc phòng, thuế, bưu điện.; tỉnh bang (provincial) về giáo dục, y tế, lĩnh vực chia sẻ chung cùng liên bang như nông nghiệp, nhập cư… và chính quyền đô thị (municipal) tại các thành phố, vùng quản lý các vấn đề cuộc sống hàng ngày thay cho tỉnh bang như giao thông công cộng, cảnh sát, cứu hỏa, thư viện… Điểm chung của 3 cấp chính quyền này là đều là có cùng một “sếp” duy nhất, là người dân, do là quan chức được bầu bán ra (elected representative) và vì vậy không có chuyện chạy chức, hay như thị trưởng phải sợ thủ hiến tỉnh bang như cấp trên, đồng phục khoanh tay, nịnh bợ, gù lưng trước lãnh đạo, hay thủ tướng cũng thường xuyên bị cấp tỉnh bang phản đối nếu không hài lòng.
 
Về cơ chế bầu cử của 3 cấp chính quyền này sơ lược như sau, lấy ví dụ tại tỉnh bang lớn nhất Ontario cho đơn giản:
 
- Bầu cử chính quyền cấp vùng, đô thị đã được định sẵn, cứ 4 năm 1 lần, vào đúng ngày Thứ Hai thứ 4 của tháng 10 (lần tới sẽ là 24/10/2022 sang năm), ai cũng có thể ứng cử vào hội đồng cấp tương ứng (council), ví dụ tại Toronto là 25 nghế hội đồng thành phố, mới bị tỉnh bang cắt giảm năm 2018 từ 47 xuống mức này và kiện tụng kéo dài mới vừa phán quyết gần đây. Cấp hội đồng thì không phân biệt thuộc đảng nào nên ông hội đồng tại 1 đơn vị bầu cử là người theo đảng Liberal cũng phải làm việc dưới quyền của thị trưởng theo đảng Conservative, ví dụ vậy.
 
- Tỉnh bang và liên bang thì theo cơ chế bầu cử tương tự nhau, các đảng tranh cử tự do đảng nào giành đa số ghế tại quốc hội tương ứng (tỉnh bang hay liên bang) thì giành quyền lãnh đạo, lập chính phủ, người đứng đầu đảng thắng cử đó trở thành thủ tướng hay thủ hiến. Ontario chia thành 124 đơn vị bầu cử tỉnh bang, còn liên bang Canada bao gồm 338 khu vực. Kết quả bầu cử dưới 50% thì đảng có nhiều phiếu nhất phải liên minh với đảng khác thành lập chính phủ thiểu số. Thời gian nhiệm kỳ là 4 năm nếu chính phủ giữ được tín nhiệm tại quốc hội tương ứng, nếu không là tại bất kỳ thời điểm nào chính phủ không vượt qua được motion of confidence là bầu cử lại. Nên mới có chuyện như tại Israel trong 2 năm qua có đến 4 cuộc bầu cử, dù có tốn kém của đất nước và người dân có không thích thì cũng phải bắt buộc có dịp thực hành cái quyền thiêng liêng nhất của mình: chọn ai làm người lãnh đạo mình.
 
- Quan chức nào sẽ được đề cử làm các bộ trưởng tại 2 cấp chính quyền liên bang và tỉnh bang? Đương nhiên là nhân sự thuộc đảng cầm quyền, sẽ do thủ tướng hay thủ hiến bổ nhiệm; đang làm có trục trặc hoàn toàn có thể bị thay thế ngay lập tức bởi sếp. Còn nghị sĩ quốc hội cấp nào có phốt phải từ chức hay chết trong nhiệm kỳ sẽ đều được bầu cử lại trong khu vực đó.
 
- Về cơ chế đảng đối lập, cứ theo nguyên lý được làm vua, thua làm “giặc”, cứ bên thua cuộc với nhiều phiếu trở thành bên giám sát, chỉ trích, phản biện mọi vấn đề của bên thắng cuộc. Chính phủ có các bộ trưởng chính thức thì đối lập cũng có bộ trưởng phản biện (shadow minister) cho lĩnh vực đó, cứ ra chính sách nào mình coi là tốt (trắng) thì với đối lập nó là dở (là đen) ngay lập tức. Cứ tranh luận, mạt sát (đôi khi), phản biện, giằng co với nhau quyết liệt như vậy mà cuối cùng, đó mới là lực đẩy thực sự đưa xã hội tiến lên trong suốt mấy trăm năm qua.
 
Tóm lại là trong chế độ dân chủ nghị viện của các xứ giãy chết, ai sẽ làm nguyên thủ quốc gia chả có gì bí mật, ngay từ trong tranh cử đã phải biết, ứng viên nào cũng có thể tuyên bố “khi tôi làm thủ tướng Canada vào ngày bầu cử thì sẽ….”, và người sếp thực sự của các công bộc này, thằng dân, sẽ luôn giám sát, chỉ trích và ghi nhận, để có gì uất ức quá thì hẹn với lòng là đến kỳ bầu cử sau thì sẽ biết. Tóm lược trong khuôn khổ phi chính trị hóa thông tin về chính trị cho người di cư tiềm năng là vậy, còn mỗi cá nhân, biết rõ mình di cư vì những thứ gì.
 
DTK Partners
DTK Immigration Pathways
Dedication – Trust – Knowledge
One brand, One slogan, One professional attitude.

Đặt hẹn tư vấn

Đăng ký tư vấn chi tiết (có tính phí) để có được tối đa thông tin ban đầu trước khi quyết định thực hiện hồ sơ. Phí được hoàn trả khi ký hợp đồng chính thức.

Đăng ký thành công!

OK