ĐỊNH CƯ DIỆN LAO ĐỘNG PHẢI ĐĂNG KÝ JOB OFFER TẠI VN? Luật 69-2020-QH14

21/06/2022

Thị trường di cư tuy mênh mông nhưng tin loang nhanh, của một số người xuất cảnh Canada diện định cư lao động, lưu ý hai chữ ĐỊNH CƯ, bị làm khó dễ, mời vào làm việc tại sân bay vì lý do không tuân thủ luật 69 hay… 96 nào đó, thậm chí phải hủy vé máy bay quay về làm thủ tục “xin phép cho đi”. Nghe mùi hành là chính nên sau khi được một khách hàng hỏi, DTK đã dành ngay thời gian đọc từng chữ của 39 trang của cái “Luật Người Việt Nam Đi Làm Việc Ở Nước Ngoài Theo Hợp Đồng” này thì thấy có điểm mập mờ, muốn dịch sao thì dịch nên tóm tắt cho người quan tâm (nếu có) như sau:
 
• Rõ ràng là đây là luật về quản lý XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG, nên lẽ ra phải không liên quan đến ĐỊNH CƯ, vì bản chất, mục đích và tình trạng pháp lý của 2 đối tượng là khác nhau. Xuất khẩu lao động là ra đi đi làm một thời gian nhất định, để mang lại ngoại tệ về yêu nước, còn định cư việc làm là… chuồn luôn theo 1 pathway định cư của nước chào đón. Thế nhưng không hiểu 500 đại biểu cuốc hội khi làm luật kín kẽ thế nào mà có thể chưa tính tới đối tượng người di cư có thể bị vịn vào luật này.
 
• Luật được ký ngày 4/12/2020 hiệu lực vào 1/1/2022 tức đã gần 6 tháng nay, Thông tư 21 ngày 15/12/2021 đã ban ra, với đa số người di cư vẫn lên đường không sao, nhưng có một số bắt đầu bị ảnh hưởng do hên xui có thể bị vịn khi xuất cảnh.
 
• Ngay tại điều 5 mở đầu “các hình thức đi làm theo hợp đồng” lẽ ra phải hiểu hay nói cho rõ là chỉ dùng trong xuất khẩu lao động lại thòng vào mục 5.3 “HĐLĐ do người lao động VN trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động nước ngoài”. Hiểu thế nào thì chắc 500 chú gật luật này cũng không để ý tới: trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, là đi làm có thời hạn rồi quay về mẫu quốc, hay là người đi định cư làm việc theo job offer - là một phần quan trọng của hồ sơ WP, PR và trở thành công dân nước ngoài sau này thì luật này có liên quan không???
 
• Và đến điều 50 quất luôn đối tượng thứ 3 này (tự giao kết HĐLĐ) phải có văn bản xác nhận đăng ký HĐLĐ (diện di cư một đi không trở lại thì liên quan gì?) với cơ quan quản lý (là Sở LĐTBXH). Thế nên ngoài sân bay cứ nhiệt tình áp dụng thấy không có văn bản xác nhận đã đăng ký job offer (!) là có thể đi về, gặp lại bà con vừa chia tay di cư bịn rịn!
 
• Điều 51.2 người LĐ có nghĩa vụ “tham gia BHXH, BH y tế, BH thất nghiệp… nộp thuế thu nhập… theo qui định của pháp luật VN”, thế thì một người DI CƯ đi chương trình đi làm tại Canada và sẽ hay đang có PR, sẽ sống chiến đấu lao động và học tập mãi mãi tại The Great White North (từ chỉ Canada), liên quan gì mà đóng mấy cái này ở cố quốc? Và còn phải đăng ký công dân tại cơ quan đại diện VN ở nước ngoài (!).
 
• Điều 53 qui định HĐLĐ trực tiếp giao kết này (của cả người di cư) phải đăng ký với Sở LĐTBXH, dù không mất phí và được cho là 5 ngày phải có trả lời, nhưng để làm gì với người đang rời bỏ đất nước mến yêu ra đi làm việc và định cư vĩnh viễn tại nước ngoài!
 
Sau đủ các phân tích như trên, nhưng hoàn toàn không có tính pháp lý nào của cá nhân, nên để chắc ăn và luôn theo cách tiếp cận đơn giản của mình: không mạng xã hội, không chém gió, DTK đã trực tiếp liên hệ Sở LĐTBXH và được khẳng định là luật vẫn áp dụng bất kể đó là đi làm định cư mà không phải xuất khẩu lao động, nên sẽ khuyến cáo và hướng dẫn các khách hàng của mình tuân thủ triệt để nốt điều luật cuối cùng này.
 
Người di cư diện liên đới chắc sẽ phải an phận tặc lưỡi làm nốt thêm cái hủ tục đăng ký này trước ngày bay, và điều gì sẽ xảy ra nếu tự nhiên một ông trời nào đó trong sở LĐTBXH không cấp xác nhận hay hoạnh về chi tiết job offer - công việc cá nhân của người di cư tại quê hương mới? Chắc sẽ thêm một lý do để ra đi không ân hận.
 
DTK Partners
DTK Immigration Pathways
Dedication – Trust – Knowledge
One brand, One slogan, One professional attitude.

Đặt hẹn tư vấn

Đăng ký tư vấn chi tiết (có tính phí) để có được tối đa thông tin ban đầu trước khi quyết định thực hiện hồ sơ. Phí được hoàn trả khi ký hợp đồng chính thức.

Đăng ký thành công!

OK