CANADA CHỐNG DỊCH CORONAVIRUS

12/04/2020

Trong khi chờ đợi gói cứu trợ kinh tế của chính phủ liên bang bắt đầu triển khai từ ngày mai 6/4/2020 mà DTK Partners cũng là một đối tượng thụ hưởng, post này nêu một nhận định khách quan về nỗ lực chống dịch của Canada để cung cấp cho người di cư tiềm năng thêm các thông tin về đất nước mình đang nhắm tới sinh sống trong phần đời tiếp theo của các phụ huynh hay gửi gắm tương lai của thế hệ con cái, đang gồng mình chống dịch kiểu tư bản giãy chết như thế nào.

Lĩnh vực kinh tế luôn là “đầu tiên” (tiền đâu) nên Canada đã và đang tung ra liên tục các gói cứu trợ khổng lồ, từ 82 tỷ CAD cam kết ban đầu vào giữa tháng 3 nay đã tăng lên hơn 150 tỷ CAD (qui ra tiền đồng là 2,250 ngàn tỷ VND) với nhiều chương trình khác nhau trong đó 2 gói lớn nhất là cứu trợ cho người mất việc 2,000 CAD/tháng trong 4 tháng và tài trợ 75% lương người lao động cho nhiều doanh nghiệp trong 3 tháng (chi tiết nằm ngay tại trang chính phủ khỏi phải tìm đâu xa: https://www.canada.ca/…/departm…/economic-response-plan.html). Với bảng cân đối tài chính quốc gia thuộc hàng hùng mạnh nhất thế giới, nợ công chỉ ở mức 31% GDP (hơn 1,700 tỷ CAD năm 2019), nên cho dù có chi tiêu cứu trợ 150 tỷ CAD nâng mức nợ công tới 40% GDP thì vẫn là một mức thấp nhất trong khối G7. Trên phạm vi toàn thế giới, Canada là nước duy nhất đưa ra cả hai loại hình cứu trợ đồng thời, cho người lao động mất việc và trợ cấp lương cho doanh nghiệp.

Tiền nhiều nhưng có lẽ ấn tượng và đáng quý hơn cả tiền là thông tin nhanh, trực tiếp, chính xác từ mọi cấp chính quyền trong bối cảnh như thời chiến này, từ thủ tướng, nội các, các y tế trưởng tỉnh bang, thủ hiến, các thị trưởng liên tục có mặt trên tivi, xộc thẳng vào phòng khách, bếp ăn, phòng ngủ của từng gia đình hàng ngày công bố các biện pháp, giải đáp các câu hỏi của báo chí, tuyên truyền chống dịch… Đã 21 ngày thủ tướng Trudeau liên tục live cập nhật toàn dân dù đang cách ly bản thân, hay ở phía nam đường biên giới, ngày nào tổng thống Mỹ Donald Trump cũng họp báo gần 2 tiếng đồng hồ, không loại trừ phải cãi nhau tay đôi với phóng viên ngữ điệu xấc xược (cách gọi thẳng thắn của Trump) chọc ngoáy linh tinh. Chỉ có người di cư mới cảm nhận hay thấu hiểu được sự khác biệt về thông tin và tự do ngôn luận là như thế nào trong khi người bản địa thì coi đó là việc đương nhiên phải có như sáng ra mặt trời mọc ở đằng đông.

Canada cũng đã dừng mọi hoạt động không thiết yếu của nền kinh tế trong vài tuần qua, sẵn sàng chấp nhận thiệt hại tài chính, giảm lãi suất cơ bản xuống gần bằng 0 trong bối cảnh tác động kép của đại dịch và giá dầu xuống mức vô cùng thấp. Đồng CAD vốn đã hay giao động theo giá dầu, động thái kinh tế, chính trị với Mỹ nay càng giảm mạnh, chỉ còn mức khoảng 0.70 USD tương đương với mức mất giá khoảng 7% so với tỷ giá thường có. Với người di cư đây cũng là cơ hội hiếm có cho việc chuyển đổi tài sản từ tiền đồng sang CAD vì đây mới là nơi sinh sống chủ yếu.

Người di cư mới đến Canada vài năm cũng có cơ hội cảm nhận được sự khác biệt giữa Canada và Mỹ trong chính trị, cách hành xử và văn hóa cho dù hai nước này mới thực sự là gắn kết núi liền núi, sông liền sông, mật thiết thực sự chứ không phải tô vẽ qua văn thơ tuyên truyền. Trong cơn đại dịch thủ hiến tỉnh (bang) Ontario khi biết tin khẩu trang y tế N95 của 3M bị cấm xuất khẩu qua Canada đã nổi giận lôi đình với Mỹ và thề sẽ không bao giờ để Ontario phải phụ thuộc vào bất kỳ bên ngoài nào khác trong khi thủ tướng mềm mỏng (đối với đảng bảo thủ thì là yếu hèn) Trudeau vẫn kiên định con đường vận động, tránh không làm tổn thương nước khác. Đường biên giới Canada – Mỹ dài 8,891 km luôn được coi là đường biên không phòng thủ dài nhất thế giới với hơn 2 tỷ đô la giá trị hàng hóa qua lại hàng ngày, lớn nhất thế giới về thương mại, hóa ra cũng có biên giới thực thụ khi nước nào cũng đang lo cho dân mình chưa xong.

Cuối cùng, bên cạnh việc kêu gọi trách nhiệm từng cá nhân trong tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, ở nhà như là liều thuốc hiệu quả nhất trong phòng chống dịch, Canada cũng đã phải áp dụng các biện pháp chế tài mạnh mẽ như phạt từ 750 – 1,000 CAD tùy thành phố cho các vi phạm tụ tập lần đầu hay tới hàng trăm ngàn đô la hoặc tù giam cho vi phạm cách ly. Ở nơi quyền tự do được ghi nhận chính thức tại hiến chương về quyền con người như Canada và tôn trọng riêng tư cá nhân cao độ đến mức số hiệu chuyến bay có người nhiễm virus còn ấp úng không được công bố thì nỗ lực vận động từng cá nhân tuân thủ ở nhà khi trời đẹp cũng khó thực hiện với một số nhỏ, chưa nói một xã hội văn minh nhưng cũng luôn có đủ loại người với văn hóa tự tuân thủ nói chung dù cao cũng còn khác nhau.

Thông tin công khai các mô hình tác động của đại dịch tại Canada hay Mỹ có thể có đến hàng chục, hàng trăm ngàn người chết hay tình trạng giãn cách xã hội có thể phải kéo dài hàng năm, nhưng quan điểm cá nhân của người viết là chỉ riêng thông tin rõ ràng cũng đã là một sức mạnh to lớn cho đất nước hùng mạnh về kinh tế, minh bạch về thông tin và đầy nhân bản này sẽ vượt qua được đại dịch dù với bất cứ giá nào.

Bài post, như mọi khi, luôn không trên tinh thần xúi giục di cư mà chỉ cung cấp thông tin thẳng thắn, thực tế. Người đọc tự suy diễn hay có quan điểm riêng của mỗi cá nhân.

DTK Partners
DTK Immigration Pathways
Dedication – Trust – Knowledge
One brand, One slogan, One professional attitude

Đặt hẹn tư vấn

Đăng ký tư vấn chi tiết (có tính phí) để có được tối đa thông tin ban đầu trước khi quyết định thực hiện hồ sơ. Phí được hoàn trả khi ký hợp đồng chính thức.

Đăng ký thành công!

OK